Với việc những thiết bị cầm tay như ĐTDĐ và laptop ngày càng trở nên phổ biến và thường nhật, tuổi thọ pin đã trở thành mối bận tâm gần như hàng đầu của mỗi chúng ta. Dưới đây là một số "mánh" giúp bạn vắt kiệt tối đa hiệu suất của một cục pin.
Pin sử dụng trong ĐTDĐ có thể coi như một "vật hiến tế" của các hãng để đổi lấy kích cỡ ngày càng thu nhỏ và trọng lượng ngày cạng nhẹ tênh của điện thoại. Nói đơn giản hơn, kích cỡ là cả một vấn đề. Cùng một công nghệ chế tạo, pin càng lớn thì năng lượng càng nhiều và tuổi thọ càng dài. Không may là hai từ "di động" luôn đòi hỏi thiết bị phải nhỏ nhất và nhẹ hết mức có thể.
Điều này có nghĩa là gì? Là người tiêu dùng chúng ta chỉ có duy nhất một sự chọn lựa: Kéo tài tuổi thọ của những loại pin hiện nay bằng đủ mọi cách. Bạn có lý do để làm thế lắm chứ, vì muốn nâng cấp pin cũ lên những loại pin mới, công nghệ cao, tuổi thọ lớn thường đòi hòi bạn phải chi ra không dưới vài trăm nghìn. Với một chiếc điện thoại đời thấp, con số này đã xấp xỉ bằng một nửa con dế.
Trong khi chờ đợi các hàng chế tạo được những loại pin đạt tới hiệu suất cao nhất bên trong kích thước và trọng lượng nhỏ nhất, chúng ta hãy cố học cách "Liệu cơm gắp mắm" để sống chung với những cục pin "mệnh yểu" này.
Một trong những kẻ thù tồi tệ nhất của pin là sự va đập. Phần lớn các loại pin đều được chế tạo rất bền vững, song hãy luôn nhớ rằng, hư hỏng là không tránh khỏi nếu như pin bị rơi liên tục, hoặc bị vặn, xoáy hay lôi ra hành hạ cho... vui.
Một kẻ thù khác không đội trời chung với pin chính là hơi nóng. Pin, cũng giống như đa số thiết bị khác, được thiết kế với một dải chịu nhiệt nhất định. Nếu vượt quá ngưỡng ấy, bạn chắc chắn sẽ gặp rắc rối. Nhiều người thường cất điện thoại bên trong bảng đồng hồ của ô tô. Một ý kiến rất tồi.
Còn tồi hơn nữa là việc bạn cho điện thoại phơi nắng vì một lý do nào đó. Ánh sáng mặt trời trực tiếp bao giờ cũng có thể nâng nhiệt độ của dế lên ít nhất vài độ. Pin vì vậy mà hư hỏng là hệ quả tất yếu. Một suy nghĩ sai lầm khác của nhiều người là càng sạc pin lâu thì pin sẽ càng dùng được lâu. Trên thực tế, ý nghĩ này chỉ đúng từ thời... xa lắc, khi sạc pin còn ở hồi sơ khai.
Nhưng giờ đây, khi đa số các loại pin sạc công nghệ cao đều đã được tích hợp sẵn bộ bảo vệ chống "sạc quá liều", dù bạn có cắm điện tới cả một tuần trời cũng trở thành công cốc. Một loại pin không bao giờ có thể trữ được nhiều năng lượng hơn dung tích thiết kế của nó.
Ngoài ra, còn có một lý do nữa để bạn không sạc thiết bị quá lâu. Phần lớn các loại pin đều có tuổi thọ cố định từ 400 - 600 lần sạc. Mỗi lần bạn bỏ mặc thiết bị đấy với pin sạc, thiết bị sẽ tự động ngừng sạc khi pin đã đầy. Song khi ấy, pin lại bắt đầu tiếp điện cho thiết bị. Khi tiếp điện đến một mức nào đó, quá trình sạc lại bắt đầu. Cứ thế, vòng tròn sạc - thoát này sẽ ăn mòn vào tuổi thọ pin một cách đáng kể mà bạn chẳng hiểu vì sao.
Chúng ta lại mổ xẻ tiếp một quan niệm sai lầm nữa, ấy là khi phải dùng cho cạn sạch pin rồi mới được sạc. Trước đây, chỉ có những loại pin làm từ catmi nickel mới cần có phương pháp "trị liệu" này, thế nhưng, toàn bộ các loại pin thế hệ mới đều dựa trên công nghệ lithium ion, và chúng sẽ bền hơn nếu như bạn sạc trước khi chúng bị cạn kiệt hoàn toàn điện năng bên trong. Vì thế, lời khuyên là mỗi khi nhận được cảnh báo pin yếu từ thiết bị -10, bạn hay nhanh chóng cắm điện cho thiết bị của mình.
Tóm lại, tránh quăng quật, va đập, những điều kiện khắc nghiệt và sạc pin đúng cách, bạn sẽ có thể tận hưởng hiệu suất 100% của những cục pin "đáng yêu" của mình. Tất nhiên, thứ gì bền đến mấy cũng phải có hồi kết. Khi chuyện này xảy ra và pin của bạn đã đến lúc phải "lìa đời", hãy bảo vệ mình trước mọi rắc rối bằng cách đi mua pin mới và nên nhớ, phải là pin thật. Không bao giờ tồn tại cái gọi là "pin dùng rồi nhưng chất lượng còn tốt" cả. Những loại pin 2nd đang bày bán trên chợ đen kiểu này hoàn toàn vô dụng và chỉ khiến bạn tốn công vứt rác mà thôi. Đó là chưa kể những trường hợp tiền mất tật mang, khi pin kém chất lượng có thể gây ra cháy, nổ máy và khiến bạn bị thương
HOME | MAP |